Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

TRÍ TUỆ KINH DỊCH

THẤU HIỂU NHỮNG QUY LUẬT TRIẾT LÝ THÂM SÂU CỦA ĐỜI NGƯỜI



Kinh Dịch là những đúc kết đơn giản nhưng chứa đựng trí tuệ thâm sâu; giải thích sự vận hành của vũ trụ; được đúc kết thành 64 quẻ Dịch ứng với sự diễn tiến của mọi sự vật, hiện tượng diễn ra trong đời sống.

Rất nhiều bạn cảm thấy mơ hồ, khó hiểu vì sao chỉ qua 64 quẻ lại có thể thấu được hết quy luật đất trời và giúp định hướng, đưa ra lựa chọn chuẩn xác đến như vậy.

Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu về những định nghĩa và quy luật của Kinh Dịch để hiểu sâu hơn về bộ môn được mệnh danh là “Thiên cổ kỳ thư” này, từ đó ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống, giúp đưa ra những sự lựa chọn, định hướng và sống hiệu quả hơn.

Trong Kinh dịch - Hệ Từ Thượng có viết: “Dịch có thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái.”

Đầu tiên, nói về Tứ tượng.
Tứ tượng trong Kinh dịch chính là 4 loại lựa chọn.

Con người nhiều khi mông lung, chính là vì không thấy rõ con đường trước mặt có bao nhiêu loại khả năng. Chúng ta sở dĩ nhiều khi bối rối, chính là vì không biết nên đưa lựa chọn thế nào với mỗi khả năng có thể xảy ra.

“Tứ tượng” trong Kinh dịch chính là công cụ cung cấp cho chúng ta căn cứ tốt nhất để lựa chọn.

Tứ tượng được sinh ra bởi lưỡng nghi, tức là Âm - Dương, còn gọi là nghi âm và nghi dương. Sau đó được tổ hợp lại mà thành ra: thượng âm - hạ âm, thượng dương - hạ dương, thượng âm - hạ dương và thượng dương - hạ âm. Trong kinh dịch gọi là Thái dương - Thiếu dương - Thái âm - Thiếu âm.

Bát quái cùng 64 quẻ Kinh dịch được sinh ra, là khả năng tổ hợp của tứ tượng với các hào âm - dương xếp chồng lên nhau mà thành.
Về ứng dụng cụ thể, chính là thể hiện nguyên nhân và kết quả của sự phát triển mọi sự vật đều có 2 mặt: âm và dương.

Khi 2 tổ hợp Âm dương phát sinh mối quan hệ, thì sẽ sinh ra 4 loại tổ hợp âm dương. 4 loại tổ hợp này chính là kết quả của tứ tượng. Toàn bộ sự vật, hiện tượng trên đời chỉ có thể có 4 loại kết quả này mà thôi.

Ví dụ: chúng ta đang cân nhắc làm một việc gì đó và ta đang đứng trước sự lựa chọn là làm hay không làm.
Vậy thì “làm” hay “không làm” ở đây chính là một tổ hợp âm dương.

Bất kể chọn “làm” hay “không làm”, kết quả xảy ra chỉ có 2 loại: một là tốt, hai là xấu.
“Tốt - xấu” ở đây là là một tổ hợp âm dương nữa. Như vậy, kết quả sự việc không có gì ngoài 4 loại:
Nếu “làm”, thì được kết quả tốt.
“Không làm” - được kết quả xấu.
“Làm” - được kết quả xấu.
“Không làm” - được kết quả tốt.

Khi biết được tất cả các khả năng có thể xảy ra, tức là biết được phương pháp lựa chọn. Còn nếu không đoán biết được các khả năng mà vẫn làm, thì giống như đề thi tự điền vào chỗ trống.

Khi ta biết được tất cả các khả năng rồi làm, thì giống như làm đề thi lựa chọn đáp án đúng. Hiển nhiên là tỷ lệ bài thi lựa chọn đáp án đúng, tỷ lệ làm đúng sẽ cao hơn tự suy nghĩ đáp án đề điền vào chỗ trống.

Đơn giản nhất là ta sử dụng phương pháp loại trừ. Trong 4 khả năng, cái nào “ít có khả năng xảy ra nhất?” thì ta có thể loại trừ bớt khả năng đó.
Với các lựa chọn còn lại, ta có thể phân tích thêm.

Thông thường, với mỗi sự việc, ta đều có ít nhiều thông tin về tình huống của việc đó. Những điều này có thể sử dụng làm căn cứ phân tích và lý giải sự việc. Sau khi phân tích, nếu đã có đáp án chính xác thì ta có thể chọn đáp án đấy. Còn nếu vẫn chưa có đáp án xác định, ta vẫn có thể tiếp tục sử dụng phương pháp loại suy.

Trong các đáp án có thể lựa chọn đó, sẽ có đáp án có khả năng cao hơn.
Còn nếu đã phân tích đủ kiểu rồi vẫn không ra, ta vẫn có thể chọn ngẫu nhiên trong các đáp án còn lại. Khi đó tỷ lệ chính xác vẫn cao hơn so với chọn bừa trong 4 đáp án hoặc tự điền vào chỗ trống.

Dù sao, cuộc đời cũng có những lúc khó tránh được việc phải bất đắc dĩ đánh bạc với số mệnh, phải nghe theo mệnh trời.

Việc hiểu rõ tứ tượng và cách áp dụng chúng trong các tình huống khác nhau giúp chúng ta có cái nhìn sâu hơn về các khả năng và lựa chọn có sẵn. Nó giúp ta xác định và đưa ra quyết định thông minh và tự tin hơn trong cuộc sống và công việc.

Thứ 2, nói về Âm - Dương. Âm - Dương trong Kinh dịch chính là 2 loại tư duy.
Âm - Dương ở đây chính là lưỡng nghi.
Chu Dịch viết: “Nhất âm nhất dương chi vị Đạo.” - Nghĩa là “Một âm, một dương gọi là Đạo.”
Câu này đã nói ra toàn bộ bí mật của văn hóa phương Đông.
Cái gọi là đại Đạo, chính là Âm Dương.

Âm và dương là tri thức vĩ đại nhất giữa Trời và Đất. Vạn vật không xa rời âm dương. Khi chúng ta hiểu âm dương thì có thể hiểu được quy luật phát triển của vạn vật. Đây là bản chất và cũng là tinh hoa của trí tuệ Phương Đông.

Nhờ đó, chúng ta có thể dùng nó để giải thích bất kỳ sự việc gì. Hết thảy không có cái gì mà không lấy âm dương làm chuẩn mực.

Giả dụ với luật “âm dương nhất thể”: Không có phẩm hạnh nào có thể gối đầu cao ngủ yên.

Một người thanh cao, càng cần phải khoan dung hơn. Nếu không dễ trở thành cao ngạo, cô độc.
Một người nhân từ, càng cần phải quyết đoán hơn. Nếu không dễ thành yếu mềm.

Người giàu có, càng cần phải tiết kiệm. Nếu không dễ trở thành xa hoa.
Người mạnh mẽ, càng cần phải hiểu kính sợ, nếu không sẽ dễ sinh hung bạo.

Người học rộng, nói chuyện càng cần phải đơn giản, bình dị. Nếu không dễ trở thành cứng nhắc, giáo điều.

Hoặc với luật “Âm dương tương sinh”: Họa là nơi phúc dựa, phúc là nơi họa nấp.”

Con người khi vận đỏ đến, làm chuyện gì cũng thành công, thuận lợi… khó tránh khỏi lòng dạ vui sướng, khí thế cao ngạo, khi thường người khác, thế là dễ bị ngã ngựa lộn nhào.

Còn con người khi vận đen đến, làm gì cũng khó khăn, sa sút… chính là lúc cần tự mình phản tỉnh, kiểm điểm bản thân, quay vào bên trong để soi chiếu tâm mình, tích lũy tu dưỡng nội lực, đợi chờ thời cơ thích hợp.

Vậy nên chúng ta khi xem xét con người, xã hội, vạn vật vạn sự trong thế giới… nếu biết kết hợp nguyên lý âm dương, thì có thể nhìn thấu rất nhiều sự tình.

Nắm được những quy luật lớn này, chúng ta sẽ có được tư duy toàn diện để có thể hiểu được bản chất sự vận hành của vạn sự vạn vật, từ đó nhìn mọi thứ bằng con mắt bao dung, toàn thể và sáng suốt đưa ra những sự lựa chọn thích hợp cho mình và giúp đỡ mọi người.

(Tổng hợp và biên soạn)

—---------------
Điều sâu sắc nhất của Kinh dịch chính là sử dụng Nhân Quả để luận Quẻ, nhìn soi chiếu từ NHÂN để sửa QUẢ. Mà luật nhân quả là bộ luật bất biến của vũ trụ. Đó cũng là sự thôi thúc để tôi mở khóa học “KINH DỊCH - ĐẠO NGƯỜI QUÂN TỬ”.